01/09/2010 | 15:20:57

"Điều còn mãi" của nhạc sỹ Dương Thụ trở lại

Chương trình "Điều còn mãi" 2009. (Nguồn: TT&VH)

Sau khi gây bất ngờ ở lần ra mắt vào chiều 2/9 năm ngoái tại Nhà hát lớn Hà Nội, chương trình âm nhạc "Điều còn mãi 2010" của nhạc sỹ Dương Thu sẽ trở lại vào chiều ngày 2/9 tới đây. Không còn yếu tố bất ngờ, liệu chương trình có tiếp tục là “bữa tiệc âm nhạc lay động lòng người?” Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Tổng đạo diễn chương trình, nhạc sĩ Dương Thụ.

- Một chương trình, bắt đầu đúng 2 giờ chiều ngày 2/9 hàng năm, chỉ trên một sân khấu và với một phong cách âm nhạc hàn lâm - liệu những điều đặc biệt và độc đáo ấy có khiến cho chương trình "Điều còn mãi" tạo được cảm giác tốt đẹp “cứ thế mãi” với công chúng không, thưa ông?

Nhạc sỹ Dương Thụ: Lặp lại là một trong những yếu tố quan trọng để định dạng một chương trình. Chúng ta chạy theo phong trào, không có những định hướng nghệ thuật kiên định, chưa hình thành một cái gì đã đòi thay đổi nên không thể có tính bền vững trong việc phát triển âm nhạc và không thể có những chương trình mang bản sắc riêng.

Các show ca nhạc giải trí - nơi âm nhạc nặng tính thời trang, vì là thời trang thì phải thay đổi liên tục, nếu không sẽ tụt hậu và sinh ra cảm giác nhàm chán. "Điều còn mãi" là dạng chương trình khác - một chương trình nghiêm túc, mang tính học thuật, phải có quy chuẩn.

Thưởng thức nhạc nghiêm túc là bằng tai, con mắt xem chỉ là một yếu tố phù trợ. Âm thanh phải thật, âm thanh điện tử nếu có chỉ là sự trợ giúp bất đắc dĩ. Vì vậy chương trình phải chọn một thính phòng đáp ứng được tiêu chuẩn này.

Ở Việt Nam chỉ có thính phòng Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh do Nhật thiết kế là đủ tiêu chuẩn. Ở Hà Nội, Nhà hát lớn là nơi thích hợp nhất, vả lại đó còn là không gian có tính lịch sử để âm nhạc có thể vang lên một cách kiêu hãnh những “Điều còn mãi.” Nếu những điều tốt đẹp mà “cứ thế mãi” thì còn gì bằng.

- Chọn phong cách thính phòng cổ điển Tây phương cho một chương trình âm nhạc “thuần Việt” từ tác phẩm đến nghệ sỹ biểu diễn – tại sao ông có sự lựa chọn này thay vì một “phong cách âm nhạc thuần Việt” và “tác phẩm âm nhạc thuần Việt” trong ngày độc lập?

Nhạc sỹ Dương Thụ: Âm nhạc cũng giống như toán học, ở đỉnh cao, ngoài phương diện biểu cảm, còn là một khoa học về âm thanh. Muốn viết được một tác phẩm giao hưởng phải nắm được “công nghệ,” và muốn nắm được “công nghệ” phải học hành tử tế.

Việt Nam không phát minh ra toán học và nhạc giao hưởng, cái đó là ở phương Tây nên muốn có nó chúng ta phải học thứ ngôn ngữ của nó. Nhà toán học lỗi lạc Ngô Bảo Châu được đào tạo ở Pháp nhưng không vì thế mà bảo anh ấy không phải là nhà toán học Việt Nam. Đặng Thái Sơn được đào tạo ở Nga, chơi nhạc của Chopin, nhưng anh ấy vẫn là nghệ sĩ Việt Nam.

Ở mức thuần khiết và đỉnh cao, âm nhạc mang tính quốc tế. Khi đến một mức độ văn minh nào đó để có thể hòa nhập được với thế giới thì chẳng có gì được gọi là thuần Việt cả. Việt Nam nằm ở nội dung âm nhạc, ở cái hồn của nó và ở cái cách cảm thụ và diễn đạt, hoàn toàn không nằm ở những yếu tố thuần Việt có tính hình thức.

Các tác phẩm viết cho dàn nhạc thính phòng và giao hưởng của nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết (một nhà soạn nhạc tầm cỡ thế giới) đã chứng minh điều đó. Chúng tôi rất tiếc đã không đủ tiền để mời ông về tham gia "Điều còn mãi."

Tôi nghĩ như thế nên làm như thế. Những người khác, nghĩ khác, có thể sẽ làm khác.

- Các tác phẩm Việt Nam, nhất là khí nhạc, ít có cơ hội xuất hiện trong các chương trình hòa nhạc lớn (nếu có cũng rất hạn chế). Có một thực tế là khoảng cách trình độ tác phẩm giữa các tác giả Việt và những thiên tài âm nhạc thế giới khiến bản thân các nghệ sỹ biểu diễn cũng có tâm lý không thích biểu diễn tác phẩm “nội.” Ông có gặp khó như thế khi tìm kiếm tác phẩm-tác giả cho chương trình "Điều còn mãi" không?

Nhạc sỹ Dương Thụ: Đúng là như vậy. “Mặt bằng” một đêm diễn nhạc thính phòng và giao hưởng ở Việt Nam hiện nay rất có vấn đề. Bên cạnh những Beethoven, Mozart, Schubert, Tchaikovsky... mà đưa tác phẩm của các tác giả Việt Nam vào thì phần lớn là khập khiễng.

Nhạc hàn lâm Việt Nam muốn phát triển phải đặt trên mặt bằng khác. "Điều còn mãi" tuy không “thuần Việt” như bạn muốn nhưng là một chương trình hòa nhạc hoàn toàn của người Việt Nam, từ tác phẩm-tác giả đến người biểu diễn, người chỉ huy. Một “mặt bằng” như thế tốt hơn cho sự phát triển loại âm nhạc thuộc diện “văn hóa cao” này ở nước ta.

Tất nhiên tác giả khí nhạc của chúng ta rất hiếm. Ngoại trừ các nhạc sỹ bậc thầy như Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn đã mất, còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng một điều rất mừng là trong vài năm gần đây đã xuất hiện các nhà soạn nhạc trẻ tuổi thế hệ 7X, 8X như Trần Mạnh Hùng, Việt Anh, Nguyễn Mạnh Duy Linh, Đỗ Kiên Cường, Tuệ Nguyên... Tôi đã được nghe tác phẩm của họ và chắc chắn họ sẽ lần lượt xuất hiện trong "Điều còn mãi."

- Với đà mỗi năm một chương trình như thế này, ông có nghĩ đến ngày “cạn vốn?”

Nhạc sỹ Dương Thụ: "Điều còn mãi" không chỉ là quá khứ. Kho tàng âm nhạc nếu luôn tìm cách bổ sung thì sao ta lại phải “nghĩ đến ngày cạn vốn?” Bổ sung bằng những cái chúng ta đã bỏ quên. Có những bản trường ca, hợp xướng và oratorio cần được dựng lại nghiêm túc vì nó rất hay như "Tiếng hát biên thùy" (Tô Hải), "Bài thơ gang thép Thái Nguyên" (Hoàng Vân) chẳng hạn. Nếu mỗi năm dựng một cái thì phải 10 năm nữa mới hết.

Bây giờ tác phẩm khí nhạc phần lớn chỉ là trích đoạn. Vài năm nữa, lớp công chúng nhạc hàn lâm Việt Nam hình thành, họ có khả năng nghe được dài hơn thì sẽ chơi trọn vẹn. Một concerto, hoặc một bản giao hưởng thường chiếm gần phân nửa thời gian của chương trình, mỗi năm chỉ dựng được một bản nên cũng chẳng lo không đủ tác phẩm.

Đấy là chưa kể tác phẩm mới của thế hệ những nhà soạn nhạc trẻ, được đào tạo từ các nhạc viện trong nuớc, hoặc từ nước ngoài trở về. Riêng về ca khúc, trong 80 năm phát triển với hàng chục nghìn tác phẩm lẽ nào không chọn được 100 bài giàu tính nghệ thuật có thể thính phòng hóa để đưa vào chương trình?

Về lâu dài "Điều còn mãi" vẫn đi theo hướng là một chương trình hòa nhạc thính phòng-giao hưởng Việt Nam, là hồi ức về những điều chúng ta đã trải qua và cả những điều chúng ta đang mơ tới. Nó cũng nhắm tới việc xây dựng công chúng cho âm nhạc nghiêm túc của các tác giả Việt Nam.

Có công chúng, loại âm nhạc “văn hóa cao” thuần túy Việt Nam này mới có cơ phát triển. Đấy cũng là một cái đích khác mà "Điều còn mãi" hướng tới.

- Mới đây ông làm khán giả trong một show ca nhạc “trình diễn công nghệ” ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông có vẻ thất vọng?

Nhạc sỹ Dương Thụ: Nghệ thuật không phải là kỹ thuật. Trong trình diễn ca nhạc, kỹ thuật tối tân đến mấy cũng chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích. Do tôi hiểu nhầm là một buổi trình diễn thuần túy công nghệ nên đi xem để cập nhật. Nhưng đó lại là một show diễn phô trương về kỹ thuật hậu đài, hát “nhạc thị trường,” ca sỹ cỡ “karaoke,” vũ đạo chẳng ăn nhập gì với nội dung bài hát, còn bài hát thì “rỗng tuếch” (chuyện bình thường ở các show diễn hiện nay). Các bạn trẻ ưa thích show diễn kiểu này, còn tôi thì không.

- Đến những chương trình như vậy được xem nhiều hơn là nghe, được “xả” nhiều hơn là “ngấm” và đấy có thể xem là xu hướng phổ biến của khán giả hiện nay. Giải trí là chính “cho đời đỡ mệt” trong khi "Điều còn mãi" thì ngược lại: Nghe là chính (hình như chẳng có gì để xem), cảm nhận, thậm chí phải cố mà cảm nhận (với các tác phẩm khí nhạc). Như vậy có phải là “cực đoan,” là “đi ngược” không?

Nhạc sỹ Dương Thụ: Khi người ta vô cảm thì người ta cần giải trí, chứ không cần xúc động. Nghệ thuật là câu chuyện của tâm hồn, nó gợi cảm, nó đánh thức và rung động. "Điều còn mãi" là chương trình nghệ thuật chứ không phải là một show diễn giải trí.

Và vì nó là âm nhạc nên nó là để nghe chứ không phải để nhìn, yếu tố nhìn chỉ đóng vai trò phù trợ. Hiểu như thế là đúng mực, là thuận chứ không phải là cực đoan, là đi ngược như giả thiết của bạn.

- Với chủ đề Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội, trong chương trình có một bài hát của ông, bài "Mong về Hà Nội." Ông muốn gửi gắm chút riêng tư gì của mình trong chương trình này?

Nhạc sỹ Dương Thụ: Tôi xa Hà Nội trong nhiều năm, nhưng Hà Nội lại là một phần đời quan trọng của tôi, không có Hà Nội thì không có tôi bây giờ. Tôi mong được về Hà Nội, để được trở lại cái tuổi thơ khốn khó của mình, trở lại những gì đã khắc sâu trong ký ức. Hà Nội của tôi là “Hà Nội vỉa hè,” là “Hà Nội trí tuệ.” Làm bóng xe bagác nón mê áo rách và ngồi hầu rượu anh Văn Cao, càphê với anh Xuân Khánh, Dương Tường. Cả hai thứ trái ngược này hòa trộn trong tôi. Tôi nhớ tôi-Hà-Nội nghèo những ngày xa xưa ấy...

"Mong về Hà Nội" vốn là bài dành cho anh Ngọc Tân và cô Hồng Nhung, lần này lại là một người khác, Trọng Tấn, người đang chuẩn bị làm một album riêng hát những bài hát của tôi. Hy vọng Tấn sẽ mang lại cho người nghe một điều gì đó mới mẻ./.

"Điều còn mãi" có sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhạc trưởng Lê Phi Phi, Nhạc trưởng Trần Nhật Minh, các nghệ sỹ Bùi Công Duy, Xuân Huy, Phó An My, các ca sỹ Trọng Tấn, Đăng Dương, Đức Tuấn, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Khánh Linh, Nguyên Thảo... diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội lúc 14 giờ ngày 2/9./

(TT&VH/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark