06/07/2010 | 15:29:00

Phố Yên Thái

Đình Yên Thái. (Nguồn: Internet)

Phố Yên Thái dài 140m, đi từ phố Hàng Mành đến đến phố Đường Thành, ngang chỗ bãi trống trước mặt Hàng Da. Đây nguyên là đất thôn Yên Thái, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Suốt già nửa thế kỷ thời thuộc Pháp, trong khi các đường phố chung quanh được mở mang khang trang rộng rãi thì ở phố này - lúc đó được gọi là Ngõ Yên Thái (Ruelle Yên Thái), mặt đường vẫn hẹp chỉ vừa đi lọt chiếc xe tay, phố không có vỉa hè, không cống thoát nước, nhà cửa hầu hết chật chội lụp xụp. Những nhà trong ngõ nhất là bên số lẻ thường thò ra thụt vào, không làm theo hàng lối.

Người dân cư trú tại đây đa số là dân nghèo, kiếm ăn bằng những nghề thủ công. Họ chủ yếu là thợ vẽ mành mành, thợ mộc, thợ nề, thợ quét vôi đi rong, kéo xe... Vợ con buôn thúng bán mẹt trong chợ Hàng Da. Dân nghèo Yên Thái còn có cả những người Tàu sống bằng nghề bán quà rong.

Mãi đến những năm 30, 40, do giá trị nhà đất nội thành tăng cao, một số người có tiền tậu đất làm nhà cho thuê, họ xây những nhà gác hai tầng nhưng số đó rất ít.

Ở số nhà 2A phố Yên Thái, có đình Thợ thêu, tên chữ Hán là “Tú Đình Thị” tức là “Chợ Đình thợ thêu” thờ ông tổ nghề thêu và là nơi bán hàng thêu trước đây. Ông là Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khải, sinh ngày 18/1 năm Bính Ngọ (1606) và mất năm Tân Sửu (1661), người làng Quất Động nay thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội), là người có nhiều đóng góp trong việc cải tiến kỹ thuật thêu ở Việt Nam.

Tương truyền thời xưa, những thợ thêu ở trong làng Yên Thái này, cứ ngày phiên chợ lại đem các hàng thêu ra bày bán và giao dịch với khách hàng tại ngôi đình kia, cho nên mới có tên là “Chợ Đình thợ thêu."

Nằm ở nơi giao nhau giữa ngõ Tạm Thương và phố Yên Thái là đình Yên Thái thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, Nguyên phi của vua Lý Thánh Tông. Bà tên thật là Lê Thị Yến, người hương Thổ Lỗi, huyện Siêu Thoại, trấn Kinh Bắc (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh), là bậc nữ lưu kiệt xuất, cầm quyền nhiếp chính hai lần, tỏ rõ tài trị nước, an dân dưới thời vua Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông.

Đình được xây dựng kiểu chữ công. Gian chính giữa đặt tượng thờ bà Chúa (tức bà Ỷ Lan), bên trái thờ tượng Mẫu, bên phải thờ Phật.

Đình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hoá ngày 16/1/1995./.

Thúy Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark