24/09/2009 | 14:03:00

Thăng Long thời Lê sơ-Mạc-Lê Trung Hưng

Tấm bia cổ thời Lê sơ mới được phát hiện ở Thanh Hóa. (Ảnh: dantri.com)

Với thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, triều Lê chính thức thành lập. Tháng 4/1428 Bình Định Vương Lê Lợi từ Bồ Đề chuyển vào thành Đông Đô.

Ngày 29/4/1428, ông lên ngôi hoàng đế. Năm 1430 đổi Đông Đô thành Đông Kinh. Năm 1466, gọi Phủ sở tại là Phủ Trung Đô rồi ít lâu sau đổi là Phủ Phụng Thiên. Thành cũ vẫn được dùng và mở thêm về phía Đông.

Theo bản đồ vẽ năm 1490, trong cùng một tòa thành hình chữ nhật xây gạch đó là Cấm thành. Cửa chính là Đoan Môn. Bên trong có các cung điện mà thâm nghiêm nhất là Điện Kính Thiên. Năm 1467, làm hai lan can bằng đá ở thềm điện (có thể đó là hai trong số bốn lan can đá chạm rồng hiện còn ở trong Thành cổ).

Bao bọc thành là một tòa thành cũng bằng gạch, trên có ụ bắn. Vì bản đồ vẽ theo lối ước lệ nên chỉ có thể đoán rằng mặt phía Đông gần trùng với các phố Thuốc Bắc, Hàng Thiếc ngày nay, mặt Bắc chạy theo sông Tô Lịch, trùng với đường Hoàng Hoa Thám, mặt Tây là đường Bưởi, mặt Nam dường như là một đoạn phố Cầu Giấy rẽ sang đường Kim Mã, rồi Nguyễn Thái Học tới Cửa Nam. Có thể hiểu đây là Hoàng Thành.

Khu dân cư được chia thành hai huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức, mỗi huyện 18 phường. Thời này, đứng đầu bộ máy quản lý kinh thành là chức Phủ Doãn.

Nhà Lê đưa Nho giáo lên vị trí chính thống và đề cao việc khoa cử, do đó Văn Miếu-Quốc Tử Giám được chăm lo và mở mang nhiều. Từ năm 1487 bắt đầu dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu. Ở Thăng Long có hội Tao Đàn tập hợp các danh sĩ do vua Lê Thánh Tông sáng lập.

Hai sự kiện văn hóa xã hội nổi bật thời này là việc vua Lê Thánh Tông ban bố bộ Quốc triều Hình luật, một bộ luật chứa đựng nhiều nội dung tiến bộ, nhân văn sâu sắc, lại thêm kỹ thuật pháp lý hoàn thiện.

Cũng dưới thời Lê Thánh Tông đã ra đời bộ sử lớn nhất Việt Nam đó là "Đại Việt sử ký toàn thư" do Ngô Sĩ Liên khởi thảo. Bộ sử này tới nay vẫn còn nguyên giá trị.

Số người ở các nơi đổ về Đông Kinh làm ăn buôn bán ngày càng nhiều. Vua Lê Thánh Tông gộp 61 phường đời Trần thành 36 phường. Tuy nhiên, với tư tưởng "ức thương", nhà Lê không muốn phát triển phần kinh tế-dân cư, chỉ duy trì số dân và quan hệ hàng hóa, tiền tệ của kinh đô trong một giới hạn.

Từng có lệnh đuổi người trú ngụ ra khỏi kinh đô, nhưng trên thực tế, số người nguyên gốc Thăng Long không nhiều nên một số triều thần can gián và cuối cùng chỉ đuổi những người không có nghề nghiệp.

Thăng Long thời Mạc-Lê Trung Hưng (1527-1786)

Chế độ quân chủ chuyên chế theo mô hình Nho giáo làm phát sinh hai loại mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa các phe phái cầm quyền và mâu thuẫn giữa nhà nước chuyên chế và nhân dân. Vào thế kỷ XVI, sự bùng nổ 2 loại mâu thuẫn làm sụp đổ triều Lê.

Năm 1527, triều Mạc (1527-1592) lên thay. Chính sách có nới rộng nên thời gian đầu tình trạng xã hội ổn định, công thương nghiệp năng động, Phật giáo và Đạo giáo phục hưng. Nhưng về cơ bản nhà Mạc không đề ra được những cải cách mới, mở đường cho sự phát triển vững vàng của xã hội.

Trong lúc đó, thế lực đối lập lại dựa vào ảnh hưởng của chế độ quân chủ và ý thức hệ Nho giáo, lấy danh nghĩa khôi phục vương triều Lê chính thống đã nổi dậy ở nhiều nơi. Năm 1533 các lực lượng này tập hợp lại ở Thanh Hóa, dựng một triều đình nhà Lê bù nhìn để chống lại triều Mạc.

Từ năm 1545, quyền bính của "triều Lê" này nằm trong tay họ Trịnh. Đó là khởi đầu của chính quyền vua Lê-chúa Trịnh kéo dài đến năm 1786 mà sử gọi là Lê Trung Hưng.

Đông Kinh trở lại tên gọi Thăng Long và vẫn giữ vị trí là kinh đô. Công việc xây dựng đa số nhằm phục vụ nhu cầu chính trị, quân sự. Để tăng cường hệ thống bảo vệ, năm1588, nhà Mạc huy động dân 4 trấn vùng đồng bằng đắp 3 lần luỹ đất.

Theo bản đồ Hà Nội hiện nay, tòa luỹ này bắt đầu từ Nhật Tân, chạy theo bờ hồ Tây, qua Bưởi, Cầu Giấy theo đường Giảng Võ-La Thành, qua Ô Chợ Dừa, đê Kim Liên, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân tới đê sông Hồng.

Năm 1529, sau khi đánh bại nhà Mạc, quân Trịnh phá huỷ thành lũy này. Nhưng sang thế kỷ XVIII, trước phong trào khởi nghĩa nông dân, nhà Trịnh lại cho đắp lại thành cũ vào năm 1740 gọi là thành Đại Đô.

Một nét mới trong kiến trúc Thăng Long là bên cạnh Hoàng thành của vua Lê, xuất hiện Phủ chúa Trịnh, cơ quan đầu não đích thực của chính quyền trung ương bấy giờ. Đó là một tòa thành hình chữ nhật mà hai cạnh dài có thể là các đoạn đầu phố Quang Trung và phố Bà Triệu, hai cạnh ngang là phố Tràng Thi và phố Trần Hưng Đạo.

Hồ Gươm lúc này còn rộng, gồm hai phần là Tả Vọng tức hồ hiện nay và Hữu Vọng tức khu vực từ Trung tâm Thương mại Tràng Tiền xuống đầu phố Lò Đúc. Hồ rộng đến mức có thể thao diễn thuỷ chiến nên còn có tên là hồ thuỷ quân.

Nhiều công trình được xây dựng quanh hồ và trên hồ: Cung Tây Long (chỗ khách sạn Sofitel), cung Khánh Thụy (phố Bảo Khánh), đền Bà Kiệu và Thăng Long với tư cách một thành thị vẫn có mặt phát triển và phồn vinh của nó.

Sự phát triển của kinh tế hàng hóa và sự mở rộng quan hệ ngoại thương thế kỷ XVII-XVIII là giai đoạn hưng thịnh của các thành thị trên quy mô cả nước. Nhiều thành thị cũ trở nên thịnh vượng và một loạt thành thị thương cảng mới ra đời trong đó đứng đầu vẫn là Thăng Long.

Theo A. de Rhodes phỏng đoán, số dân các nơi đổ về Thăng Long lúc đó khoảng 1 triệu người, còn Dampier ước tính có khoảng 2 vạn nóc nhà.

Về phương diện kinh tế, Thăng Long là một phức hợp kinh tế gồm nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, trong đó hoạt động công thương nghiệp giữ vai trò chi phối. Tầng lớp thị dân ngày một gia tăng, có một số thành chủ xưởng, chủ hiệu, nhưng đông đảo vẫn là những người sản xuất và buôn bán nhỏ.

Thăng Long vẫn không vượt qua được mô hình cấu trúc của thành thị trung đại phương Đông để trở thành "thành thị tự do" như phương Tây.

Tuy vậy, Thăng Long vẫn là một trung tâm văn hóa lớn. Người Thăng Long tự hào về nếp sống thanh lịch với những công trình nghệ thuật và kiến trúc: Đền, chùa, đình, quán, am, miếu với những tượng, hương án, y môn, cửa võng chạm khắc tinh tế, có cả một dòng tranh Tự Tháp, sau gọi là dòng tranh Hàng Trống đặc sắc.

Tên tuổi của những danh nhân gốc Thăng Long: Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Ngô Thì Sĩ, Bùi Huy Bích... và các vị lập sự nghiệp ở đây như Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều đã làm cho văn hóa Thăng Long thêm sáng giá./.


(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark