03/03/2012 | 10:02:00

Các đường phố Hà Nội theo vần L (phần 4)

LIÊN VIỆT

Ngõ: ở phố Tây Sơn (cạnh số nhà 181 rẽ vào).

Đất trại Nam Đồng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ.

Nay thuộc phường Nam Đồng, quận Đống Đa.

Trước còn gọi ngõ Nền Than (do lấp hồ bằng xỉ than, lập thành ngõ).

LIỄU GIAI

Đường: dài 730m; từ phố Đội Cấn đến phố Kim Mã, còn đoạn kéo dài tiếp đến phố Giảng Võ (1997), sau nhập với Láng Trung thành phố Nguyễn Chí Thanh (1998).

Liễu Giai là địa danh của một trong Thập tam trại ở đây. Đất các thôn Liễu Giai, Cống Vị, Kim Mã, Thủ Lệ đều thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ. Đền Liễu Giai thờ ông Hoàng Lệ Mật được xếp hạng di tích lịch sử năm 1990.

Nay thuộc các phường Cống Vị, Ngọc Khánh, quận Ba Đình.

Tên mới đặt năm 1994.

LINH LANG

Phố: dài 600m; từ phố Đội Cấn đến Cục Lưu trữ nhà nước, gặp phố Nguyễn Văn Ngọc và Phan Kế Bính.

Đất trại Vạn Phúc, thuộc khu Thập tam trại cũ. Đoạn đầu phố này, năm 1995 đã đặt tên là Kim Mã Thượng, nối với đoạn thước thợ rẽ sang phố Liễu Giai. Tháng 1-1999, Hội đồng nhân dân thành phố điều chỉnh lại, cắt đoạn đầu nối dài thẳng ra, lập phố mới tên Linh Lang, đi qua khu tập thể Cống Vị. Nay thuộc phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Linh Lang là thần trấn phía tây kinh thành Thăng Long, thờ ở đền Voi Phục, trại Thủ Lệ gần đấy. Tương truyền đây là thái tử Hoằng Chân, con vua Lý Thái Tông (1028 -1054) do một bà phi người làng Bồng Lai (Đan Phượng) sinh ra. Ông có công dẹp giặc Tống. Vua toan nhường ngôi cho, ông từ chối về ở trại Chợ (Thủ Lệ) rồi hoá thành rồng đen bò xuống hồ Tây biến mất.

LINH ỨNG

Ngõ: ở phố Khâm Thiên, cạnh số nhà 290 rẽ vào, ngõ cộc ngắn, lối vào chùa Linh Ứng, di tích xếp hạng năm 1993.

Nay thuộc phường Thổ Quan, quận Đống Đa.

LĨNH NAM

Đường: dài 3,2km; từ đường Tam Trinh qua Ba Hàng tới dốc Lĩnh Nam, đê sông Hồng.

Đất các làng Mai Động, Vĩnh Tuy và Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì trước, sau Mai Động thành phường của quận Hai Bà Trưng.

Nay thuộc các phường Mai Động, Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (từ 2004).

Tên đường mới đặt năm 1988.

LÒ ĐÚC

Phố: dài gần 1,2km; từ cuối phố Phan Chu Trinh (chỗ ngã năm Lò Đúc - Hàm Long) đến đường Trần Khát Chân, nối với phố Kim Ngưu. Cuối phố này xưa có một cửa ô, gọi là Ô Đống Mác, hay Ông Mạc, sau đổi là Ô Lãng Yên. Phố có nhiều ngõ ở hai bên. Chạy qua đất nhiều thôn: Hữu Vọng, Hương Thái, Đức Bác, Yên Nội, Thọ Lão, Hoa Viên thuộc tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc các phường Phạm Đình Hổ, Đống Mác, quận Hai Bà Trưng. Phường đúc lập chùa Tổ ông thờ tổ nghề đúc đồng ở ngõ 79.

Thời Pháp thuộc: đoạn đầu là phố Lò Đúc, đoạn giữa gọi là Cây Đa Nhà Bò, đoạn sau lúc mới mở gọi là phố Lò Lợn (rue de I’Abattoire). Sau gọi chung là đại lộ Ácmăng Rútxô (boulevard Armand Rousseau).

Từ 1945 gọi tên dân gian này.

LÒ LỢN

Ngõ: ở cuối phố Bạch Mai, cạnh số 459 rẽ vào, bên chợ Mơ.

Vốn xưa có lò mổ lợn, đã bỏ từ lâu.

Nay thuộc phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng.

LÒ RÈN

Phố: dài gần 130m; từ phố Thuốc Bắc đến phố Hàng Gà, cắt ngang qua phố Hàng Đồng.

Đất thôn Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Đình Lò Rèn thờ tổ ở nhà số 1, do người làng Hoè Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm ra làm nghề xây nên.

Nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.

Tên dân gian trước đây còn gọi Hàng Bừa hoặc Hàng Cuốc (vì bán các mặt hàng này).

Thời Pháp thuộc là phố Thợ Rèn (rue des Forgerons).

Sau Cách mạng vẫn mang tên này.

LÒ SŨ

Phố: dài 320m; từ đường Trần Quang Khải đến phố Đinh Tiên Hoàng (cạnh đền Bà Kiệu), cắt ngang qua ba ngã tư: Hàng Tre, Lý Thái Tổ, Hàng Dầu.

Đất các thôn Sơ Trang, Tả Lâu (tổng Tả Túc) và Nhiễm Thượng (tổng Hữu Túc), huyện Thọ Xương cũ. Xưa có nhiều hàng gỗ, bán áo quan mà thành tên.

Nay thuộc các phường Lý Thái Tổ và phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.

Tên dân gian từ xưa.

Thời Pháp thuộc là phố Puiannơ (rue Pouyanne), sau lấy tên này.

LONG BIÊN I – II

Đường: dốc lên và dốc xuống đầu phía bắc cầu Long Biên, trên đất xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm cũ. Từ 2004 là quận Long Biên.

- Long Biên I là dốc lên, dài 390m, từ đường Ngọc Lâm tới cầu.

- Long Biên II là dốc xuống, dài 260m, từ cầu tới đường Ngọc Lâm.

Nay thuộc phường Ngọc Lâm, quận Long Biên.

Tên mới đặt tháng 7-1996.

LƯƠNG ĐỊNH CỦA

Phố: dài 710m; từ phố Phạm Ngọc Thạch cắt qua phố Phương Mai vào đến Công ty Giống cây trồng Trung ương 1.

Đất phường Kim Hoa và Hồng Mai, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc hai phường Kim Liên và Phương Mai, quận Đống Đa.

Tên mới đặt năm 1995 kéo dài thêm l50m tháng 7-2000. Thường gọi nhầm là Lương Đình Của.

Lương Định Của (1918 -1975): là nhà nông học Việt Nam hiện đại. Ông sinh ở Sóc Trăng, Nam Bộ, tốt nghiệp trường Đại học Tổng hợp Kyoto và Kiusiu, trở thành vị tiến sĩ thứ 96 của Nhật Bản. Sau hoà bình năm 1954, ông cùng gia đình về Sài Gòn làm ở Viện Nghiên cứu canh nông, rồi ra chiến khu Nam Bộ, tập kết ra Bắc.

Cả cuộc đời ông cống hiến cho sự nghiệp lai tạo một số giống lúa và giống cây trồng, làm Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm, được phong Anh hùng lao động, mất ngày 28-1 2-1975 tại Hà Nội. Năm 1996 được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

LƯƠNG KHÁNH THIỆN

Phố: dài 400m; từ phố Nguyễn Đức Cảnh đến ngõ 147 phố Tân Mai. Đất thôn Giáp Lục, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì trước; sau thuộc phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng, nay là quận Hoàng Mai.

Tên phố mới đặt tháng 7-2000.

Lương Khánh Thiện (1903 -1941): quê xã Liêm Chính, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. 1925 cùng Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) vận động đòi ân xá Phan Bội Châu, rủ nhau bỏ trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Ông về hoạt động trong phong trào của công nhân nhà máy sợi Nam Định, cảng Hải Phòng. 1929 được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo (1930 - 1936). Trở về Hà Nội tiếp tục hoạt động, chỉ đạo cuộc bãi công ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (1938), được cử vào Xứ ủy Bắc Kỳ. 1939 – 1940, làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng và phụ trách các tỉnh ven biển, vùng mỏ. Tháng 11 -1940, ông bị địch bắt, kết án tử hình và hành quyết ngày 1-7-1941 tại Kiến An. Ông là bậc liền bối cách mạng của Đảng.

LƯƠNG NGỌC QUYẾN

Phố: dài 320m; từ phố Nguyễn Hữu Huân đến phố Hàng Giày, cắt ngang qua các phố Mã Mây, Tạ Hiện. Đất thôn Ưu Nhất và Ngư Võng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là hai phố:

- Đoạn đầu (đến Tạ Hiện): phố Galê (rue Galet).

- Đoạn sau: phố Nguyễn Khuyến.

Sau Cách mạng mang chung tên này.

Lương Ngọc Quyến (1885 -1917): hiệu Lập Nham, con cụ cử Lương Văn Can, người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Ông hưởng ứng phong trào Đông Du, sang Nhật 1905 theo Phan Bội Châu, lập Việt Nam Quang phục hội ở Trung Quốc, bị bắt giải về Việt Nam, giam ở nhà lao Thái Nguyên. Ông liên lạc với Đội Cấn, làm cuộc binh biến khởi nghĩa Thái Nguyên đêm 30-8-1917. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, ông hy sinh ngày 5-9-1917 trong cuộc chiến./.

(Còn tiếp)

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark