24/09/2009 | 14:09:00

Thăng Long dưới triều đại Tây Sơn

Diện mạo chùa Kim Liên đẹp và thanh nhã đã có từ thời Tây Sơn.

Mùa hè năm 1786, quân Tây Sơn tiến ra đàng Ngoài lật đổ chế độ chúa Trịnh. Ngày 21/7/1786, quân Tây Sơn đã làm chủ Thăng Long.

Nền thống trị của họ Trịnh tồn tại 241 năm (1545-1786), trong đó có 194 năm ở Thăng Long. Phong trào Tây Sơn đã kiểm soát cả nước, xóa bỏ tình trạng chia cắt đàng Trong-đàng Ngoài.

Sau khi lật đổ chúa Trịnh, Nguyễn Huệ, vị tướng chỉ huy quân Tây Sơn đã trao chính quyền lại cho vua Lê. Để gắn bó, vua Lê gả con gái cho Nguyễn Huệ.

Ngày 4/8/1786, Thăng Long chứng kiến một đám cưới chưa từng có: Công chúa Bắc Hà lá ngọc cành vàng Lê Ngọc Hân lấy ông tướng trời Nam Nguyễn Huệ cờ đào áo vải.

Sau đó, Nguyễn Huệ về Nam, vua Lê Chiêu Thống lên ngôi không điều hành được việc nước, các cánh quân phiệt nổi lên tranh giành quyền bính. Quân Tây Sơn phải hai lần ra Bắc dẹp loạn, trong đó lần thứ hai do Nguyễn Huệ đích thân chỉ huy.

Trong một tháng lưu lại Thăng Long, ông đã thu nạp nhiều sĩ phu tiến bộ như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn... tổ chức lại bộ máy chính quyền. Nhưng cuối năm 1788, Thăng Long và đất nước Đại Việt phải đương đầu với một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn của đế chế Mãn Thanh.

Lê Chiêu Thống trốn khỏi Thăng Long đã cho người sang cầu cứu nhà Thanh. Lúc này, nhà Thanh đang cường thịnh muốn bành trướng xuống phương Nam, đã phái 29 vạn quân xâm lược Đại Việt.

Quân Tây Sơn theo kế của Ngô Thì Nhậm bỏ Thăng Long rút về giữ phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn chờ lệnh Nguyễn Huệ. Ngày 16/12/1788, quân Thanh vào Thăng Long đem theo vua Lê Chiêu Thống.

Ngày 22/12/1788, Nguyễn Huệ ở Phú Xuân nghe tin, lên ngôi vua lấy hiệu Quang Trung rồi lập tức lên đường ra Bắc đánh giặc.

Ngày 15/1/1789, tập kết tại Tam Điệp. Đúng đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu (25/1/1789), quân Tây Sơn vượt Tam Điệp và cuộc tấn công bắt đầu.

Sáng mùng 5 Tết (30/1/1789), cùng một lúc đánh đồn Ngọc Hồi và đồn Đống Đa và đại thắng. Quân Thanh tháo chạy, tướng chỉ huy bỏ rơi cả ấn tín. Đến nay, tại gò Đống Đa, hàng năm nhân dân vẫn mở hội để kỷ niệm chiến thắng oanh liệt này.

Quang Trung đóng đô ở Huế. Thăng Long là thủ phủ của Bắc Thành (Bắc Bộ ngày nay). Tuy vậy, Hoàng thành vẫn được chính quyền Tây Sơn tu sửa.

Những chính sách khuyến nông, phát triển công thương của Quang Trung đã tác động đến kinh tế vùng Thăng Long.

Như Làng Vĩnh Ninh nay thuộc xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì vốn giữ được một đạo sắc đời Quang Trung năm thứ 2 (1790) với nội dung là hoàn thuế và miễn thuế cho dân làng Vĩnh Hưng Đặng và một Đạo sắc đời Cảnh Thịnh năm thứ tư (1797) với nội dung đạo việc sử dụng cống nước tưới ruộng của 3 làng: Vĩnh Hưng Đặng, Vĩnh Hưng Trung và Vĩnh Bảo.

Diện mạo chùa Kim Liên đẹp và thanh nhã bên hồ Tây như hiện còn là có từ thời Tây Sơn. Văn phẩm kiệt tác Phú tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng được viết vào thời này. Nhiều chuông to, đẹp được đúc cũng vào thời này.

Tác phẩm "Ai tư vãn" của bà Lê Ngọc Hân, văn thơ của Phan Huy ích, Ngô Thì Nhậm, Đoàn Nguyễn Tuấn... mang hơi thở một thời Tây Sơn hào hùng.

Lịch sử Triều Tây Sơn ngắn ngủi nhưng đã để lại những dấu ấn đậm đà trên trang sử Thăng Long-Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark