05/03/2012 | 11:05:00

Các đường phố Hà Nội theo vần C (phần 1)

CẢM HỘI

Phố: dài 260m; từ giữa phố Nguyễn Cao rẽ vào, ngoặt góc thước thợ qua khu chung cư của Đại học Quốc gia sang đến phố Lò Đúc (cạnh số 149).

Đất hai thôn Cảm ứng và Yên Hội hợp nhất thành Cảm Hội, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc hai phường Phạm Đình Hổ và Đống Mác, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc: đường 334 (voie 334). Tên mới đặt năm 1994.

CAO BÁ QUÁT

Phố: dài gần 500m; từ đầu phố Lê Duẩn cắt ngang phố Hoàng Diệu, ngoặt chéo sang phố Nguyễn Thái Học, cạnh Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Vốn là con đường men theo hào phía nam thành Thăng Long thời Nguyễn. Nay thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình.

Thời Pháp thuộc có tên là phố Tuyên Quang.

Cao Bá Quát (1808 - 1855): tự Chu Thần, hiệu Cúc đường, Mẫn Hiên, nhà thơ, người xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, sang sống ở Thăng Long. Năm 1831 đỗ cử nhân. 1851 làm Giáo thụ Quốc Oai (Sơn Tây), 1854 cùng Lê Duy Cự khởi nghĩa Mỹ Lương (nay là Mỹ Đức, Hà Nội) bị đàn áp dã man, ông hy sinh vào đầu năm 1855. Nhà thơ lớn để lại hơn 1300 bài thơ, ông còn là nhà thư pháp, người đời tôn là “Thánh Quát”.

CAO ĐẠT

Phố: dài 125m; từ phố Lê Đại Hành đến đường Đại Cồ Việt.

Đất thôn Long Hồ, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc gọi là đường H1 (voie H1).

Cao Đạt: người Bầu Thượng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, tham gia khởi nghĩa Phan Đình Phùng (1885). Phong trào tan vỡ, năm 1895 ông bị Pháp bắt ở Xiêm (Thái Lan) và đem về giam tại Côn Đảo. Mãi về già mới được thả, về chết ở quê. Có thuyết nói ông bị bắt năm 1891 và bị chém đầu ở Thanh Hoá.

CAO LỖ

Đường: dài 1,8km; từ ngã tư quốc lộ 3 (Bưu điện Đông Anh) đến ngã tư Nhà máy Chế biến thức ăn chăn nuôi, thuộc thị trấn Đông Anh.

Vốn là đất xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh trước đây. Tên mới đặt tháng 8-2005.

Cao Lỗ (? - 180 TCN): một danh tướng thời An Dương Vương. Theo dã sử, ông còn có tên là Thông, vốn là người bộ Vũ Ninh (nay thuộc Bắc Ninh). Thuở trẻ ông đã tinh thông võ nghệ, được tôn là Đô Lỗ. Ông theo Thục Phán đánh giặc lập nhiều công nên được phong tước hầu. Khi xây thành Cổ Loa, vua Thục được thần Kim Quy giúp và tặng cho chiếc móng để làm lẫy nỏ, mỗi lần bắn ra hàng trăm mũi lên, diệt hàng trăm giặc, gọi là Linh Quang thần nỗ. Cao Lỗ là người chế tạo nỏ và đã diệt quân Triệu Đà nhiều lần. Sau họ Triệu cho con trai là Trọng Thủy sang ở rể với âm mưu phá hoại nỏ thần. Ông can ngăn không được lại bị vua Thục đuổi về quê. Quả nhiên vua Thục mất cảnh giác, bị Triệu Đà đem quân sang chiếm nước Âu Lạc, An Dương Vương phải tự vẫn. Ông chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược và đã ngã xuống trên đất quê hương.

CAO THẮNG

Phố: dài 140m; từ đường Trần Nhật Duật đến phố Nguyễn Thiện Thuật, phía sau chợ Đồng Xuân.

Đất thôn Nguyên Khiết Thượng, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Gơrappanh (rue Grappin). Sau Cách mạng: phố Nguyễn Cảnh Chân. Sau hoà bình: đổi thành tên này.

Cao Thắng (1864 - 1893): người làng Yên Đức, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, tham gia khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng chỉ huy năm 1885, ông hy sinh trong một trận đánh đồn Pháp ở Thanh Chương (Nghệ An) ngày 21 - 11 – 1893.

CÁT LINH

Phố: dài 725m; từ ngã tư phố Tôn Đức Thắng - Quốc Tử Giám đi tới phố Giảng Võ, nối đầu với phố Giang Văn Minh.

Đất cũ phường Bích Câu, sau thuộc thôn An Trạch và Cát Linh, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ.

Nay thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa.

Di tích xếp hạng năm 1990 là Bích Câu đạo quán ở số 12, thờ Tú Uyên, nhân vật trong truyện Bích Câu kỳ ngộ, đây là nơi tu hành của những người theo Đạo giáo. Chùa Trại ở sau số nhà 40, tên chữ là Xiển Pháp tự, xưa là cơ sở ấn loát kinh Phật, đã xếp hạng di tích năm 2003; chùa Phổ Quang ở trong ngõ 27.

Thời Pháp thuộc đã mang tên này (route de Cat Linh).

CẨM VĂN

Ngõ: từ cuối ngõ Quan Thổ 1 (phố Tôn Đức Thắng rẽ vào) đi thông sang đường đê La Thành ở gần Ô Chợ Dừa.

Đất làng Hào Nam, phường Thịnh Hào, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ.

Nay thuộc phường Hàng Bột, quận Đống Đa.

Cẩm Văn là tên gọi cũ của một trang trại ở đây.

CẦU BƯƠU

Đường: dài 2,1km; từ cầu Bươu, nối tiếp đường Phan Trọng Tuệ đến hết địa phận xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, giáp địa giới thành phố Hà Đông, một đoạn tiếp của đường 70A.

Cầu Bươu là tên cây cầu bắc qua con sông đào nối sông Tô Lịch, đoạn thuộc xã Thanh Liệt, sang sông Nhuệ ở địa phận xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì.

Tên mới đặt tháng 8-2005.

CẦU DIỄN

Đường: dài 3,4km; từ cầu Diễn đến ngã tư Nhổn. Đây là một đoạn của đường 32 (Hà Nội - Sơn Tây) đi qua hai xã Phú Diễn và Minh Khai huyện Từ Liêm trước đây, nay thuộc thị trấn Cầu Diễn, xã Phú Diễn, xã Minh Khai huyện Từ Liêm. Tên mới đặt tháng 1-2002.

Cần Diễn là tên cây cầu bắc qua sông Nhuệ, đất thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn (sau có một thời gian sáp nhập với xã Minh Khai thành xã Phú Minh), và vùng đất hai bên cây cầu này được cắt ra lập thành thị trấn Cầu Diễn năm 1982./.

(Còn tiếp)

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark