03/03/2012 | 15:01:00

Các đường phố Hà Nội theo vần L (phần cuối)

LƯƠNG SỬ

Ngõ: tên chung cho ba ngõ A - B - C đều từ bên số lẻ phố Quốc Tử Giám rẽ vào làng Lương Sử, do nhập hai thôn Ngự Sử và Lương Sừ thuộc tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Ngõ Lương Sử A ở cạnh số 3 có lối thông sang Lương Sử B. Ngõ Lương Sử B ở cạnh số 29 rẽ vào (rộng nhất). Ngõ Lương Sử C ở cuối phố Ngô Sĩ Liên thông sang Linh Quang, ra phố Khâm Thiên và phố Tôn Đức Thắng.

Nay thuộc phường Văn Chương, quận Đống Đa.

Tên mới đặt sau năm 1954.

LƯƠNG THẾ VINH

Đường: dài trên 700m; từ ngã ba vào Đài Mễ Trì (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm) đến đường Nguyễn Trãi.

Đất thôn Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm.

Nay thuộc xã Trung Văn (huyện Từ Liêm) và phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân.

Tên mới đặt năm 1986.

Lương Thế Vinh (1442 - ?): tự Cảnh Nghị, người xã Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam (nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), đỗ trạng nguyên năm 1463. Ông là nhà văn hoá, nhà toán học nổi tiếng thời Hồng Đức (1470 -1497), đời Lê Thánh Tông, được dân quen gọi là Trạng Lường. Làm quan Hàn lâm viện thị giảng, giữ chức Sái phu trong hội Tao Đàn, ông để lại nhiều sách toán học, được coi như một tổ sư nghề toán ở nước ta.

LƯƠNG VĂN CAN

Phố: dài 300m; từ phố Hàng Bồ đến phố Lê Thái Tổ, cắt ngang qua phố Hàng Gai.

Đất thôn Tố Tịch và Yên Hoa, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Sau hai thôn Yên Hoa và Xuân Hoa hợp nhất thành Xuân Yên. Đình Xuân Yên còn ở số 6. Nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Lê Quý Đôn (đoạn đầu đến phố Hàng Quạt trước đây mang tên chung với phố Hàng Quạt). Sau Cách mạng điều chỉnh lại và mang lên này.

Lương Văn Can (1854 - 1927): hiệu Ôn Như, nhà nho yêu nước, người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội); đỗ cử nhân năm 1879, không ra làm quan, là một trong nhóm sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục, hoạt động được chín tháng thì bị đóng cửa. Năm 1914, Pháp viện cớ kết án ông 10 năm biệt xứ sang Nam Vang (Phnôm Pênh), đến 1921 đã phải thả. Ông mất tại nhà số 4 Hàng Đào, Hà Nội ngày 12-6-1927.

LƯƠNG YÊN

Phố: dài trên 500m; từ chỗ nối nhau của đường Trần Khánh Dư với đường Nguyễn Khoái (cạnh Nhà máy Xay Lương Yên) đi chéo đến đường Trần Khát Chân.

Vốn là một đoạn đê cũ trên đất thôn Lương Yên, do hợp nhất hai thôn Lương Xá và Yên Xá, tống Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng.

Thời Pháp thuộc là đường 159 (voie 159). Sau Cách mạng gọi đường Thúy Ái. Từ thời tạm chiếm mang tên này.

LƯU NHÂN CHÚ

Phố: dài 400m; từ quốc lộ 3 (đối diện cây xăng Nghĩa Bình) đi qua khu dân cư, trường mầm non, trường Trung học cơ sở thị trấn Sóc Sơn. Đặt tên tháng 6-2008.

Lưu Nhân Chú (? - 1433): danh tướng Lam Sơn, ông người xã Thuận Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Năm 1416 ông tham dự hội thề Lũng Nhai và cùng cha tham gia khởi nghĩa của Lê Lợi, giải phóng dân tộc. Ông là tướng chỉ huy đánh thắng trận Khả Lưu - Bồ Ải (1424) rồi cùng Đinh Lễ tiến quân ra Thanh Hóa bao vây thành Tây Đô (1425).

Ông là một trong những tướng lập công lớn trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang tiêu diệt đạo quân Minh sang cứu viện Vương Thông bị bao vây trong thành Đông Quan, diệt tướng giặc Liễu Thăng. Lê Lợi đăng quang, ông được phong là Nhập nội Kiểm hiệu, Bình chương quân quốc trọng sự, giữ chức Nhập nội tư khấu và được ban quốc tính họ Lê. Năm 1433, ông bị bọn lộng thần ghen ghét ám hại bằng thuốc độc. Thời Hồng Đức vua Lê Thánh Tông minh oan, khôi phục danh tước và truy tặng ông hàm Thái phó, tước Vinh Quốc công.

LÝ ĐẠO THÀNH

Phố: dài 140m; từ phố Tông Đản chỗ gần Bảo tàng Cách mạng đến phố Lý Thái Tổ.

Đất thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Đại úy La Brútxơ (rue Capitaine La Brousse). Sau Cách mạng: phố Nguyễn Thành Hiên. Từ thời tạm chiếm mang tên này.

Lý Đạo Thành (? - l081): người làng Cổ Pháp, huyện Đông Ngàn (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Thái sư triều Lý Thánh Tông (1054 - l072), tính tình cương trực, có tài tổ chức, góp phần giúp Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống xâm lược. Nổi tiếng vì trung thực trong phận vua tôi cũng như vì dân vì nước.

LÝ NAM ĐẾ

Phố: dài 1,lkm, từ phố Phan Đình Phùng đến phố Trần Phú, chạy theo chân tường phía đông thành Thăng Long thời Nguyễn.

Nay thuộc hai phường Hàng Mã và Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Tướng Gióp (rue Maréchal Joffre). Sau Cách mạng đặt tên này.

Lý Nam Đế (503 - 548): tức Lý Bí còn gọi Lý Bôn, người hương Thái Bình, trấn Sơn Tây. Ông khởi nghĩa năm 542, đánh đuổi quân thống trị nhà Lương, lên ngôi vua năm 544, xưng là Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (gần thành phố Bắc Ninh bây giờ). Năm sau, quân Lương sang đánh, ông chống không lại, lui về vùng hồ Điển Triệt (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), và bị đánh tan, lánh vào động Khuất Liêu (Tam Nông) rồi mất.

LÝ QUỐC SƯ

Phố: dài 245m; từ phố Hàng Bông đến phố Nhà Thờ. Đất thôn Tiên Thị, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Chùa Lý triều Quốc Sư ở số nhà 50, xếp hạng di tích năm 1995 và đền Phù Ủng (thờ vọng Phạm Ngũ Lão) ở số 25, xếp hạng năm 1988. Nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi là phố Lămbơlô (Rue Lamblot).

Quốc sư triều Lý tên là Nguyễn Chí Thành (1066 -1141), người làng Điềm, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, tu đạo Phật, học trò Từ Đạo Hạnh, có pháp danh là Minh Không, đạo cao đức trọng, chữa được bệnh hiểm cho vua Lý Thần Tông nên được phong là Quốc sư (1138). Truyền thuyết coi ông là tổ sư nghề đúc đồng và có nhiều điểm đồng nhất với nhân vật Không Lộ.

LÝ THÁI TỔ

Phố: dài 880m; từ phố Lò Sũ đến phố Tràng Tiền (chỗ quảng trường 19-8), cắt ngang qua phố Trần Nguyễn Hãn, Ngô Quyền, Lê Lai, Lê Phụng Hiểu. Trên phố này có Cung Văn hoá thiếu nhi, Ngân hàng Quốc gia, Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ.

Vốn là đoạn đê cũ của sông Hồng, ranh giới giữa các thôn Tả Lâu, Trừng Thanh Hạ Kiếm Hồ, Vọng Hà (tổng Tả Túc) với các thôn Nhiễm Thượng, Hậu Bi, Hậu Lâu (tổng Hữu Túc), huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Lý Thái Tổ và phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Tên dân gian trước gọi là phố Hàng Vôi trong.

Thời Pháp thuộc: đại lộ Đô Đốc Cuốcbê (boulevard Amiral Courbet).

Sau Cách mạng 1945 mang lên này.

Lý Thái Tổ (974 - l028): tức Lý Công Uẩn người làng Cổ Pháp (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh); mẹ họ Phạm, làm con nuôi nhà sư Lý Khánh Vân, học trò sư Vạn Hạnh. Ông làm Điện tiền Chỉ huy sứ đời vua Lê Ngọa Triều. Năm 1009, vua mất, triều đình tôn ông lên làm vua, miếu hiệu là Thái Tổ, mở đầu triều Lý kéo dài 9 đời vua gồm 216 năm. Năm 1010 dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, gặp điềm rồng vàng đón, nên đổi tên là thành Thăng Long.

Ông là người có công định đô, xây dựng, mở mang kinh thành, đặt nền móng cho Thăng Long, Thủ đô ngàn đời của đất nước.

LÝ THƯỜNG KIỆT

Phố: dài 1,73km; từ phố Lê Thánh Tông đến đường Lê Duẩn, cắt ngang qua các phố Phan Chu Trinh, Ngô Quyền, Hàng Bài, Bà Triệu, Quang Trung, Quán Sứ, Phan Bội Châu. Trên phố có Thư viện Khoa học số nhà 26 - nơi xưa là trường Viễn Đông Bác Cổ, Toà án nhân dân Tối cao ở số 48.

Đất của nhiều thôn: Hàm Châu (tổng Hậu Nghiêm), Vũ Thạch Hạ (tổng Tả Nghiêm), Nam Phụ, Nam Hưng (tổng Tiền Nghiêm), huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc các phường Phan Chu Trinh, Hàng Bài, Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc đặt tên là đại lộ Caro (boulevard Carreau)

Sau Cách mạng đổi tên này.

Ngõ: ở phố này, cạnh số nhà 67 rẽ vào, ngõ cộc. Thời Pháp thuộc có tên ngõ Căn Cước (lmpasse de L'Identité) do có khu nhà ở cho những người làm ở Sở Căn cước - nay là Sở Công an Thành phố Hà Nội.

Lý Thường Kiệt (1019 -1105): tên thật là Ngô Tuấn do có công lớn được vua ban cho họ Lý, người phường An Xá, trên bãi sông Hồng, sinh ở phường Thái Hoà (Vĩnh Phúc – Ba Đình). Từ một Hiệu úy kỵ mã, ông thành Thị vệ của vua Lý Thánh Tông, nổi tiếng tài giỏi, quán xuyến cung đình và võ nghệ tinh thông, giúp hoàng thái Hậu Ỷ Lan nhiếp chính vua Lý Nhân Tông khi còn nhỏ.

Thấy giặc Tống có mưu đồ xâm lược, ông đề xuất chủ động đánh trước, tiêu diệt căn cứ xuất phát của địch ở ba châu: Ung, Khâm, Liêm (1075) giành thắng lợi lớn rồi rút quân về xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt chặn giặc, đánh tan quân Tống (1077). Tương truyền ông là tác giả bài Nam quốc sơn hà, được coi như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

LÝ VĂN PHỨC

Phố: dài 120m, cộc, ở phố Nguyễn Thái Học, cạnh số nhà 161 rẽ vào.

Đất thôn Cổ Thành, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa.

Thời Pháp thuộc là đường 204 (Voie 204). Từ thời tạm chiếm đổi tên này.

Lý Văn Phức (1785 -1849): người Việt gốc Hoa sinh ở làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận (nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ); đỗ cử nhân năm 1819, làm quan thời Nguyễn; từng đi sứ và giao thương với nhiều nước châu Á. Nhà thơ, tác giả các chuyện nôm diễn ca: Nhị thập tứ hiếu, Ngọc Kiều Lê, Tây sương…/.

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark