09/03/2012 | 11:24:00

Các đường phố Hà Nội theo vần H (phần 2)

HÀNG BÀI

Phố: dài 620m; từ bờ hồ Gươm, cuối phố Đinh Tiên Hoàng đến ngã tư phố Huế - Hàm Long, cắt ngang qua các phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo.

Đất thôn Vũ Thạch, Hậu Lâu, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ, nơi xưa bán các loại bài lá.

Thời Pháp thuộc là đại lộ Đồng Khánh (boulevard Đồng Khánh), sau Cách mạng gọi phố Triệu Quang Phục. Thời tạm chiếm lại gọi Đồng Khánh: sau hoà bình (1954) lấy lại tên cổ là Hàng Bài.
 
HÀNG BÈ

Phố: dài hơn 170m; từ phố Hàng Mắm đến ngã tư Hàng Dầu - Cầu Gỗ. Xưa sông Hồng vào giáp đầu phố, gần cửa ô Mỹ Lộc có nhiều bè tre, nứa, gỗ đậu mà thành tên.

Đất thôn Nam Hoa, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm.

Đoạn đầu phố xưa còn gọi là phố Hàng Cau (bán cau khô). Thời Pháp thuộc là phố Hàng Bè (rue de Radeaux).
 
HÀNG BỒ

Phố: dài hơn 270; từ ngã tư phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Bạc đến ngã tư phố Hàng Thiếc - Thuốc Bắc - Bát Đàn cắt ngang ngã tư phố Hàng Cân - Lương Văn Can.

Đất thôn Xuân Hoa, Nhân Nội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đền Nhân Nội ở số nhà 84. Xưa phố bán hàng nan bằng tre, nứa. Nay thuộc phường Hàng Đào và phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.

Đoạn đầu phố xưa còn gọi là phố Hàng Dép. Thời Pháp thuộc là phố Hàng Bồ (rue des Paniers).
 
HÀNG BÔNG 

Phố: dài 930m, từ ngã tư phố Hàng Trống - Hàng Hòm - Hàng - Gai đến góc gặp phố Đình Ngang, cạnh ngã năm Cửa Nam cắt ngang qua các ngã tư với phố Hàng Mành - Lý Quốc Sư, phố Đường Thành - Phủ Doãn, phố Hàng Da - Quán Sứ. Đất các thôn Kim Bát Thượng, Hạ, tổng Tiền Túc, Thương Môn Đông Hạ, Yên Trung Hạ, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Trong phố còn các di tích: đền Phúc Hậu (số nhà 2), đền Lương Ngọc (số 68B), đình Kim Hội (số 95), đền Vọng Tiên (số 120B), đình Thiên Tiên (số 120).

Xưa kia là nhiều phố: Hàng Hài (đoạn đầu đến Hàng Mành), Hàng Bông Đệm (đoạn tiếp đến Hàng Da); Hàng Bông - Cây đa Cửa quyền (đoạn tiếp đến Phùng Hưng), Hàng Bông Lờ (đoạn cuối). Thời Pháp thuộc gọi chung là phố Hàng Bông (rue du Coton).

Ngõ: dài hơn 80m; từ phố Tống Duy Tân đến phố Hàng Bông.

Vốn là con đường mang cá cửa đông nam thành Thăng Long (Nguyễn), sau thuộc thôn Yên Trung Hạ, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm. Ngõ này cùng với phố Tống Duy Tân được thành phố xây dựng làm khu ẩm thực của Thủ đô, quen gọi là phố Cấm Chỉ.

Thời Pháp thuộc là phố Lôngđơ (rue Lhonde). Sau Cách mạng gọi ngõ Cấm Chỉ. Sau giải phóng đổi là ngõ Hàng Bông Lờ. Từ 1964 mang tên ngõ Hàng Bông.
 
HÀNG BỘT

Ngõ: từ phố Tôn Đức Thắng (Hàng Bột cũ - cạnh số nhà 36 rẽ vào), thông sang phố Phan Phu Tiên, vào thêm đến Sân vận động Hàng Đẫy Hà Nội.

Nay thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa.

Thời Pháp thuộc là đường 205 (voie 205).

Sau Cách mạng: phố Phạm Lập Trai.

Thời tạm chiếm gọi ngõ Hàng Bột.
 
HÀNG BÚN

Phố: dài hơn 480m, từ đường Yên Phụ đến phố Phan Đình Phùng, cắt ngang các phố Nguyễn Khắc Nhu, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Trường Tộ, Quán Thánh. Đất các thôn Yên Ninh, Yên Thành và một phần hồ Mã Cảnh, tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Đầu phố xưa là Ô Thạch Khối.

Nay thuộc phường Nguyễn Trung Trực và phường Quán Thánh, quận Ba Đình.

Tên dân gian chia làm hai phố: Hàng Bún Trên (đoạn đầu đến phố Quán Thánh), Hàng Bún Dưới (đoạn cuối).

Thời Pháp thuộc gộp lại là phố Hàng Bún (rue des Vermicelles)

Ngõ: ở cuối phố, thông sang phố Phan Huy Ích.
 
HÀNG BUỒM

Phố: dài 300m; từ phố Đào Duy Từ đến ngã tư với phố Hàng Ngang - Hàng Đường - Lãn Ông, cắt ngang qua phố Hàng Giày.

Đất phường Hà Khẩu, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ. Số nhà 76 là đền Bạch Mã, nơi thờ Thần hoàng Thăng Long - Long Đỗ - cũng là thần trấn phía đông kinh thành, di tích đã xếp hạng năm 1986. Nơi xưa có chợ Bạch Mã và bến sông Tô bán các loại buồm bằng vải và cói cho thuyền bè nên thành tên.

Nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Hàng Buồm (rue des Voiles).
 
HÀNG BÚT

Phố: gần 70m, từ phố Thuốc Bắc đến phố Bát Sứ. Đất thôn Đông Thành, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm.

Xưa có tên phố Hàng Mụn và có một đoạn phố Thuốc Bắc giáp Hàng Bồ mới gọi là Hàng Bút.

Thời Pháp thuộc là phố Côngbanerơ (rue Combanère).
 
HÀNG CÁ

Phố: dài 125m; từ phố Hàng đường đến phố Thuốc Bắc, cắt ngang qua phố Chả Cá.

Đất thôn Đồng Thuận, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ, có tên cổ là Trại Tiên Ngư (cá tươi) xưa ở bờ sông Tô. Đình Tiên Ngư thờ Lý Tiến, ở số 27. Nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc gọi phố Hàng Cá (rue de la Poissonnerie).
 
HÀNG CÂN

Phố: dài hơn 100m; từ phố Lãn Ông đến phố Hàng Bồ, nối với phố Lương Văn Can. Đất thôn Hữu Đông Môn và Xuân Hoa, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đền Xuân Yên ở số 44. Nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc là phố Hàng Cân (rue des Balances).

HÀNG CHAI

Ngõ: dài 80m; từ phố Hàng Rươi đến phố Hàng Cót.

Đất thôn Tân Khai, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm. Sau số nhà 7 có đình thờ tổ nghề hát ca trù.
Thời Pháp thuộc: ngõ Ngang.
 
HÀNG CHÁO

Phố: dài 200m; từ phố Nguyễn Thái Học đi chéo đến đoạn đầu phố Tôn Đức Thắng.

Đất thôn Cổ Thành, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Cát Linh, quận Đống Đa.

Tên dâu gian xưa gọi là ngõ Hàng Hương (khác với Hàng Hương ở phố Phùng Hưng).

Thời Pháp thuộc là đường 206 (voie 206).

Sau Cách mạng: phố Phan Phu Tiên.

Thời tạm chiếm: phố Bảng Nhãn Đôn.

Sau hòa bình: lấy lại tên cổ này.

Ngõ: từ số 141 phố Nguyễn Thái Học đi cạnh Sân vận động hàng Đẫy đến ngõ Hàng Bột. Trước gọi là ngõ 141, tháng 1-2002 đặt tên ngõ Hàng Cháo.
 
HÀNG CHỈ

Ngõ: dài 65m, từ phố Tố Tịch sang phố Hàng Hòm.

Đất thôn Tố Tịch, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc đã gọi là ngõ Hàng Chỉ.
 
HÀNG CHIẾU

Phố: dài 280m; từ Ô Quan Chưởng đến ngã tư Đồng Xuân Hàng Mã - Hàng đường. Trước giáp bờ sông có nhiều hang bán chiếu cói.

Đất thôn Thanh Hà, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đình Thanh Hà ở số 77, cửa mở sang số 10 ngõ Gạch.

Nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.

Xưa có tên phố Đông Hà. Tên dân gian gọi là phố Mới.

Thời Pháp thuộc: phố Giăng Đuypuy (rue jean Dupuis).

Sau Cách mạng mang tên này.
 
HÀNG CHĨNH

Phố: dài 135m; từ đường Trần Nhật Duật đến phố Đào Duy Từ, ngang qua phố Nguyễn Hữu Huân. Đầu phố xưa là cửa Ô Trừng Thanh, đất thôn Ưu Nhất, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nơi trước đây bán các loại chum, vại, vò bằng gốm.

Nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc vẫn gọi là phố Hàng Chĩnh (rue des Vases).
 
HÀNG CHUỐI

Phố: dài 460m, từ phố Hàn Thuyên đến phố Nguyễn Công Trứ, cắt ngang qua phố Phạm Đình Hổ. Vốn là bờ đông hồ Hữu Vọng, đất thôn Nhân Chiêu, Đức Bác, Yên Hội, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.

Nay thuộc phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng. Đầu phố có chùa Tràng Tín (số 5) nơi xưa có bến đò sông Hồng.

Thời Pháp thuộc là phố Tướng Bâyliê (rue Général Beylic).

Thời tạm chiếm đổi mang tên này.

Ngõ: có hai ngõ cùng tên mang số 1 và 2 trên phố này. Ngõ 1 thời Pháp thuộc gọi là ngõ cộc Bâyliê (impasse Beylié)./.

(Còn tiếp)

(Thanglonghanoi/Vietnam+)

Bản để in Lưu vào bookmark